Từ lâu, phở là món ăn truyền thống, đặc trưng của người Việt, có thể nói đây là linh hồn của ẩm thực Việt Nam góp phần đưa ẩm thực Việt tiến xa với ẩm thực thế giới. Trải qua bao nhiêu thời kỳ, ngày nay phở đã được biến tấu, có nhiều phương pháp chế biến để phù hợp với khẩu vị của từng nhóm đối tượng thưởng thức khác nhau.
Phở có nguồn gốc từ miền Bắc, nhưng, ngày nay đã được phổ biến ở các miền Trung, Nam và được sáng tạo dựa trên khẩu vị ở mỗi nơi. Vậy, như thế nào mới là bát phở chuẩn vị. Hôm nay, Bát đĩa Việt xin gửi đến độc giả cách nấu phở đơn giản, ngon, có thể làm tại nhà.
Hướng dẫn cách nấu phở miền Bắc – phở bò Hà Nội truyền thống
Nội dung
Hà Nội là nơi có nhiều nhà hàng, quán phở nhất trên cả nước. Nhà hàng sang trọng hay các quán phở bình dân đều xuất hiện từ con phố lớn đến các hẻm hay ngõ nhỏ. Phở là món ăn sáng phổ biến của người dân ở đây, bởi nó không quá đắt, lại dễ ăn, đầy đủ dinh dưỡng.
Mặc dù, có nhiều món ngon để thưởng thức, tuy nhiên, phở chính là sự lựa chọn không thể vắng trong danh sách của những ai có ý định ghé thăm Hà Nội.
Nguyên liệu nấu phở bò cần chuẩn bị
Chuẩn bị nguyên liệu nấu chính là công đoạn đầu tiên, là khâu tổng hợp tất cả các thực phẩm, đồ dùng cần và đủ để nấu phở cơ bản, giúp định hình được món ăn. Bạn thay đổi công thức nấu phở như thế nào thì với những nguyên liệu sau đây cũng sẽ cho ra hình thức là một bát phở.
Sau đây là nguyên liệu nấu phở bò, khẩu phần dành cho 4 người tại gia:
- Thịt bò: 500 gram
- Xương bò ( chọn xương sườn hoặc xương ống): 1- 2kg
- Bánh phở: 500 gram
- Hành tây: 2 củ nhỏ
- Gừng: 100 gram
- Hạt rau mùi: 1 gram
- Đinh hương: 1 gram
- Cam thảo: 2 gram
- Thảo quả: 2 quả
- Hoa hồi: 2-3 hoa
- Quế khô: 5 gram
- Chanh: 2 quả
- Hành lá, rau ngò, các loại rau thơm tùy thích.
- Hạt nêm, nước mắm, muối, hạt tiêu, gia vị các loại.
Cách nấu phở bò ngon chuẩn vị miền Bắc
Để có được một bát phở chuẩn vị, có hồn thật sự rất kỳ công, đòi hỏi người nấu phải đặt tâm huyết của mình trong quá trình nấu. Sau đây là quy trình nấu phở ngon nhất, đơn giản nhất có thể thực hiện tại nhà, đảm bảo nước dùng trong, ngọt thanh và đặc biệt không có mùi hôi.
Những tiêu chí cơ bản đánh giá bát phở đạt đến điểm ngon:
- Không còn mùi hôi vốn có của xương bò
- Nước dùng phở trong vắt
- Hương vị ngọt thanh: Ngọt nhờ xương và các hương liệu đi kèm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu nấu phở
Trong giai đoạn sơ chế nguyên liệu, phần quan trọng chính là khử được hết mùi hôi của xương bò. Phải sơ chế làm sao để xương bò phải sạch hoàn toàn, không còn mùi hôi, như thế mới đảm bảo được nước lèo trong vắt, không bị đục.
Sơ chế xương bò đúng cách:
- Sau khi mua xương bò về, phải rửa sạch sẽ và ngâm với muối hột ( có thể sử dụng muối ăn thông thường) trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau đó vớt ra rửa lại với nước. Điều này giúp xương bò trắng, sáng, trông sạch sẽ, đẹp mắt.
- Nướng xương đều các mặt và rửa lại với nước sạch một lần nữa
- Cho xương bò vào nồi, luộc sơ tầm 15 phút. Đây là bước khá quan trọng, giúp loại bỏ được các phần dơ bẩn có trong xương. Đủ thời gian, bạn tiến hành vớt ra rửa lại với nước lạnh, rửa hết các phần thừa, phần máu còn đọng lại.
- Bỏ xương lại vào nồi đun cùng 1,5 lít đến 2 lít nước. Nên điều chỉnh hợp lý vì trong quá trình ninh xương nước còn bị bốc hơi một phần.
Tiến hành sơ chế thịt bò
- Thịt bò rửa sạch, để ráo nước
- Nếu muốn ăn thịt tái nên chọn các phần thịt không có gân như thịt mông, thịt thăn cho mềm và cắt mỏng, ướp với vài miếng gừng thái sợi
- Nếu bạn sử dụng nạm bò, nên chần thịt qua nước sôi. Sau đó luộc bình thường trong vòng 40 phút và vớt ra ngâm vào tô nước đá lạnh giúp thịt không bị khô.
Sơ chế phần hương liệu và các loại rau thơm
- Hương liệu là thành phần không thể thiếu khi nấu phở, nó giúp tạo nên mùi hương đặc trưng của phở, tuy nhiên, nên dùng lượng nhỏ để không lấn át đi mùi thơm của thịt.
- Tiến hành rang quế, hồi và thảo quả trước, sau đó rang thêm hạt mùi, hạt tiêu, chú ý rang nhỏ lửa cho đến khi thảo quả phồng lên và tỏa hương thơm.
- Hành và gừng tươi đem nướng trên bếp hoặc lò vi sóng, tới khi thấy cháy xém, thơm lừng. Bên trong đã chín, bạn cần cạo bỏ lớp bỏ cháy bên ngoài. Bước này giúp cho phở không có mùi gắt.
- Các loại rau thơm đem nhặt, rửa với nước cho sạch rồi thái nhỏ.
- Hành lá thái nhỏ, đầu hành lá trắng bạn có thể chẻ sợi hay để nguyên tùy ý
Bước 2: Cách nấu nước dùng đạt độ trong
Nấu nước dùng là giai đoạn mất nhiều thời gian nhất, cầu kỳ. Nước dùng là thành phần chính tạo nên linh hồn của món ăn này. Tại đây, tất cả các nguyên liệu, hương liệu tập trung tạo nên hương vị chính của phở. Nước dùng rất quan trọng nên mỗi bước đều phải kỹ.
- Sau khi đun xương được 40 phút, nước sôi bạn điều chỉnh giảm nhiệt để ninh xương thêm 2- 3 giờ đồng hồ để xương nhừ, nhằm mục đích lấy nước ngọt. Lưu ý, trong lúc ninh bạn không đậy nắp hoặc đậy he hé và vớt bọt thường xuyên nhé. Vì khi đậy nắp có thể làm màu nước đục không đúng với tiêu chí chuẩn phở nhưng hương vị vẫn đảm bảo không thay đổi.
- Cho các hương liệu đã được sơ chế vào một túi, đem thả vào nồi. Nấu thêm 30 phút để các hương liệu tỏa ra thấm đều vào nồi nước dùng.
- Sau khi thấy nước dùng đã thơm, bạn vớt túi gia vị ra và tiến hành nêm nếm gia vị, hạt nêm, muối, mắm,.. cho vừa ăn
Bước 3: Trình bày và thưởng thức
- Đun nước sôi lại 1 lần nữa để chần bánh phở. Nếu dùng bánh phở tươi, bạn nên chần sơ để bánh phở nóng, chần lâu có thể làm bánh phở bị nát, mất ngon. Trong lúc chần, dùng đũa khấy nhẹ là các bánh phở tự tách ra.
- Thịt bò thái mỏng, chần qua nước dùng cho tái rồi để lên bát phở
- Cho rau thơm, hành lá lên trên
- Múc nước dùng cho vào bát sao cho nước dùng ngập hết phở và thịt
- Thường ăn kèm với giá và ngò
Cách nấu phở bò chuẩn người miền Nam
Đa phần con người ở miền Nam thích ăn ngọt, nên nước dùng phở của miền Nam có phần khác biệt, ngọt hơn so với tại miền Bắc nhưng điểm chung là vẫn giữ được vị thanh.
Điểm khác nhau nữa là nằm ở rau đi kèm, phở bò miền Nam thường ăn kèm với ngò gai, giá, húng quế và tương ớt, tương đen. Cùng tham khảo những chia sẻ cách làm phở sau đây để biết thêm nhé:
Chuẩn bị nguyên liệu nấu phở khẩu phần 4 người ăn
- Bánh phở: 0,5kg
- Thịt bò: 2 kg
- Gầu bò: 1kg
- Bò viên: 10- 15 viên
- Thịt bò phi lê: 250 gram
- Gừng: 1 củ
- Túi gia vị gồm: thảo quả, quế hồi.
- Các gia vị khác: Hạt nêm, nước mắm, đường,…
- Rau ngò tây, xà lách, húng quế, hành tây, hành lá, tương ớt, tương cà
Quy trình thực hiện nấu phở tại miền Nam
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu xương, thịt bò
- Xương ống bạn chặt ra từng khúc vừa, rồi rửa sạch, rửa lại với rượu hoặc ngâm với muối để xương được sáng, nhìn sạch sẽ.
- Sau khi xong, các bạn cho vào nồi nước đun sôi để loại bỏ hết chất bẩn, nhớ thêm một chút muối khi luộc thịt. Sau đó thay nước, và luộc thịt với 5 – 6 tô nước lọc để ninh xương nhằm lấy được vị ngọt từ thịt và xương. Lưu ý, vớt bọt thường xuyên trong quá trình luộc thịt.
- Thịt gàu rửa sạch, cho vào tô nước lạnh và thái lát mỏng
- Tương tự, rửa sạch thịt bò phi lê. và thái lát mỏng
Bước 2: Nấu nước dùng phở
- Cho nước hầm xương vào một nồi khác, sau đó thả túi gia vị bao gốm quế, thảo quả, thêm gói bột phở và khuấy đều giúp hòa tan hương vị trong nồi nước.
- Rừng nướng lên, sau đó đem đập dập và bỏ vào nồi nước dùng. Đun dưới nhiệt độ vừa phải, lửa nhỏ, đợi cho đến khi sôi, vớt bỏ gói bột phở. Nêm nếm gia vị lại cho vừa ăn với các gia vị nước mắm, muối, đường…
**Lưu ý: Trong giai đoạn này phải vớt bọt thường xuyên để nồi nước dùng được trong hơn và không chứa nhiều tạp chất
Bước 3: Trụng bánh phở
Đem bánh phở cho vào nồi nước sôi, vớt ra và ngâm vào tô nước lạnh ngay. Lưu ý không nên trụng bánh phở quá lâu vì như thế bánh sẽ bị bở ra, không còn ngon nữa.
Bước 4: Hoàn tất và trang trí
- Cho bánh phở vừa trụng ra tô, trải thịt bò và gàu thịt lên phía trên mặt bánh cùng với hành tây cắt lát mỏng và giá chần qua nước sôi. Sau đó chan nước dùng ngập bánh và thịt. Rắc thêm hành lá, ngò lên trên cùng.
- Món ăn sẽ ngon hơn nhiều nếu ăn kèm với sa tế hay tương ớt.
Cách nấu phở bò miền Trung đúng điệu (Phở xứ Huế)
Văn hóa ẩm thực Huế nổi tiếng với món bún bò huyền thoại, phở Huế không được nhắc nhiều như phở Hà Nội. Nhưng phở Huế vẫn có những nét riêng mà không phải ở đâu cũng có thể sao chép được. Các loại rau ăn kèm của phở Huế cũng ít hơn so với phở ở các nơi khác.
Nguyên liệu cần chuẩn bị để nấu phở miền Trung ngon
- Xương đuôi bò, chân giò
- Thịt nạm bò
- Bánh phở
- Hành tây, sả
- Mắm ruốc
- Chanh, ớt
- Bột hột điều dầu
- Các loại gia vị cần: Nước mắm, muối, hạt nêm, bột ngọt
- Các loại rau ăn kèm: Bắp chuối bào sợi, giá sống, ngò gai, hành lá
Cách thực hiện nấu phở
Phở miền Trung thường đậm đà hương vị, và có hương đặc trưng của mắm ruốc. Nên việc chuẩn bị nguyên liệu cần phải kỹ lưỡng. Với cách thực hiện trên sẽ giúp bạn có một bát phở chuẩn vị ẩm thực người miền Trung.
- Xương bò rửa sạch, cho vào nồi và đổ nước xấp sỉ, đun sôi. Sau khi thấy xuất hiện váng thì vớt hết xương cùng chân giò ra, đổ bỏ nước và rửa sạch lại một lần nữa.
- Cho xương bò đã rửa sạch vào nồi cùng một lượng nước cần làm nước lèo, lưu ý lượng nước có thể bay hơi khi nấu. Cho thêm chút muối, hạt nêm và sả đập dập buộc thành bó thả vào nồi nước.
- Sau khi xương chín, vớt ra. Lọc mắm ruốc cho vào nồi cùng một số loại gia vị như bột ngọt, hạt nêm, nước mắm cho vừa ăn, đun thêm một lúc cho sôi và để lửa nhỏ.
- Thịt nạm thái bản to, mỏng
- Hành cắt khúc, ngò băm nhỏ
- Đun chảo dầu nóng, cho phần củ hành lá đã đập dập vào phi cho thơm, tiếp theo là sả băm nhuyễn và ớt, bột hột điều dầu, xào đều cho vàng. Cho một nửa hỗn hợp này cùng nửa phần ngò gai băm vào nồi để dậy mùi và tạo màu cho nước dùng trông bắt mắt hơn.
- Bánh phở nhúng qua nước sôi cho nóng, cho vào bát và xếp thịt nạm đã thái, hành, ngò. Chan nước dùng vào bát vừa đủ. Có thể thêm chanh, ớt và ăn kèm cùng một số loại rau như bắp chuối bào, giá sống cùng các loại rau thơm.
Bí quyết để nấu phở ngon nhất định phải nhớ
Cho dù nấu phở bao nhiêu công thức, biến tấu như thế nào, thì dòng họ nhà phở vẫn phải có những lưu ý chung. Chú ý những điều dưới đây sẽ giúp bát phở của bạn trông hấp dẫn, thu hút vô cùng.
- Thịt bắp bò sau khi luộc chín, cần vớt ra và cho vào bát nước lạnh ngay. Để ráo nước và cho vào tủ lạnh để thịt tránh bị đen.
- Trong quá trình ninh, hầm xương, cần vớt bọt thường xuyên để nước dùng trong hơn.
- Phở bò không nên nấu chung với thịt gà hay xương heo, như thế sẽ làm mất đi mùi vị thuần túy của món ăn.
- Bánh phở ngon phải được làm từ gạo thơm ngon, tươi mềm, dẹp. Trước khi cho vào tô, bánh phở cần được trụng qua nước sôi nhằm đẩy hết chất bẩn, hôi, nên nhúng kỹ và lắc xốc cho ráo nước. Khi đổ vào tô nên dùng đũa xới lên để sợi bánh không bị dính với nhau.
- Nước dùng phải thật sôi mới đổ vào tô. Khi chan nước dùng vào tô, cách mặt bánh và thịt tầm 1cm là vừa, và chan đều để đảm bảo thịt tái hết.
- Đối với phở Việt Nam, dùng gừng nướng, hành tím thì nước dùng sẽ rất thơm.
Lời kết
Vậy là bạn đã có đầy đủ công thức nấu phở ngon, chuẩn của 3 miền, bây giờ thì bạn có thể tự tay mình đãi gia đình hay đãi khách tại nhà bằng món phở vừa đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm vừa gửi gắm được tấm lòng đến với mọi người.. Chúc bạn thành công với những công thức Bát đĩa Việt vừa chia sẻ.